News

Events

Userful information

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao.

Published date : 27/04/2022

(HPA) Sáng ngày 26/4/2022, khoảng 150 khách mời đã tham dự Hội nghị Tọa đàm Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với chủ đề “Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức.

Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp thêm thông tin về các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội; Giới thiệu về kinh nghiệm áp dụng khoa học thành công trong sản xuất nông nghiệp và chuyển giao công nghệ từ các nước; Tổng hợp các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội để thông tin tới các cấp chính quyền, nhằm tiếp tục đánh giá, tổng kết, điều chỉnh cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư phù hợp với thực tiễn; Qua đó khuyến khích và hỗ trợ cho các tổ chức, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Hội nghị Tòa đàm Xúc tiến đầu tư. Ảnh: HPA.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Tự Lực – Phó Giám đốc HPA nhấn mạnh: “UBND thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. HPA mong muốn cộng đồng doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp của chính mình để tích cực tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp, đưa thành phố Hà Nội trở thành một thành phố của nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, tăng giá trị nông sản và hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế”.

Ông Lê Tự Lực – Phó Giám đốc HPA phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: HPA.

Hiện nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một mục tiêu mà nông nghiệp nước nhà đang hướng tới, vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ban hàng rất nhiều Quyết định và Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Chính vì vậy, bà Vũ Thị Trâm – nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Nông nghiệp đã chia sẻ với Hội nghị về những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về đất đai; ưu đãi thuế; chính sách tín dụng; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng một số dự án đầu tư; nguồn nhân lực; xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt các ưu đãi về thuế, bà Trâm đã chia sẻ cụ thể: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 10% trong vòng 15 năm (tính từ ngày cấp giấy chứng nhận), 4 năm đầu miễn thuế TNDN và giảm 50% không quá 9 năm tiếp theo; thuế GTGT áp dụng mức thuế suất 0% hoặc 5% tùy theo loại sản phẩm hàng hóa; thuế xuất khẩu 0%; miễn thuế nhập khẩu đối với giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước sản xuất được và các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định tại các địa bàn khó khăn; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất (dự án đầu tư, mở rộng quy mô dự án, thay thế, đổi mới công nghệ) đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện, thiết bị trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư.

Bà Vũ Thị Trâm – nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Nông nghiệp chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: HPA.

Cũng tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thoa – Nguyên Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đánh giá kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; các chính sách của Thành phố và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản), giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; tập trung tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Bà Thoa cũng giới thiệu các mô hình, HTX điển hình trong nông nghiệp công nghệ cao như mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ CNC Cuối Quý, huyện Đan Phượng, HTX rau quả sạch Chúc Sơn tại huyện Chương Mỹ với công nghệ viễn thám, quan trắc thời tiết…Cũng trong phần trình bày của mình, bà Thoa đã nêu các nhóm giải pháp trọng tâm về quy hoạch; chính sách; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp phát triển thị trường. dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Nguyên Trưởng phòng trồng trọt - Sở Nông nghiệp và PTNN Hà Nội. Ảnh: HPA.

Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, các diễn giả tham dự còn giới thiệu nhiều mô hình thí điểm từ quy mô nhỏ cho đến diện tích lớn đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như công nghệ khử khuẩn plasma lạnh cho xử lý bảo quản nông sản, thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo và nhân giống cây trồng; chẩn đoán, giám định dịch hại cây trồng; điều khiển chế độ canh tác…

Quang cảnh tại Hội nghị. Ảnh: HPA.

Ngoài việc nắm bắt thông tin về cơ hội và chính sách nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm còn có cơ hội chia sẻ, trao đổi thông tin và kinh nghiệm.

Các doanh nghiệp mong muốn HPA sẽ tiếp tục hỗ trợ, tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội nghị tọa đàm xúc tiến đầu tư tương tự để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thông tin, mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Một số hình ảnh trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại Hội nghị: